Bisphenol-A (BPA) là một hóa chất nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như hộp đựng thức ăn, bình sữa trẻ em, đồ chơi,…
“Cho trẻ bú bình sữa bằng nhựa cứng cũng giống như cho uống thuốc tránh thai…”. Các bà mẹ sẽ giật mình với nhận định trên của một giáo sư Mỹ. Đó là nhận định của giáo sư sinh vật học Frederick vom Saal, Đại học Missouri-Columbia trên tạp chí Environmental Health Perspectives của Mỹ. Lý do của nhận định trên là do trong các sản phẩm bình sữa, núm vú giả, đồ chơi trẻ em… có chứa chất Bisphenol-A (BPA), đang được sử dụng phổ biến trong sản xuất đồ nhựa cứng.
Hầu hết các mẫu xét nghiệm trên người ở Mỹ đều phát hiện chất Bisphenol-A (BPA). Đây là hóa chất nhân tạo được sử dụng để sản xuất các sản phẩm làm từ chất dẻo polycarbonate như bình sữa em bé, hộp chứa thức ăn, chai nước, đồ chơi, núm vú giả cho trẻ em ngậm… Hóa chất này cũng được tìm thấy trong keo epoxy, vốn được dùng để tráng bên trong các loại đồ hộp và chất trám răng cho trẻ em.
BPA trong các đồ dùng trên có thể nhiễm vào thức ăn, đặc biệt khi nung nóng đồ dùng hoặc cọ rửa với xà phòng chứa chất tẩy mạnh.
Bisphenol-A là gì?
Bisphenol-A (BPA) là một hóa chất nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như hộp đựng thức ăn trong tủ lạnh, bình nước, bình sữa trẻ em, đồ chơi, núm vú giả…
BPA chủ yếu có trong sơn epoxy – một loại sơn bảo quản dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại đựng thực phẩm, nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn.
Ngoài đồ gia dụng, chất bisphenol-A còn rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà…
BPA gây hại như thế nào?
Làm hỏng men răng của trẻ nhỏ
Công bố hôm 10/06/2013 trên tạp chí American Journal of Pathology, nhà khoa học Pháp Katia Jédéon, thuộc Trung tâm nghiên cứu Cordeliers (bao gồm Inserm, trường đại học Paris V, Paris VI và Paris VII), đã phát hiện ra rằng việc phơi nhiễm chất BPA dù ở liều lượng thấp cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành răng sữa của trẻ.
Theo giả định của các tác giả, bệnh thiếu khoáng chất ở men răng hàm và răng cửa (MIH) rất có thể là do bị phơi nhiễm BPA vào giai đoạn cận sản.
Bệnh được đặc trưng bởi các vết trăng trắng hay ngà vàng trên các răng hàm hay răng cửa sữa. Bệnh lý này liên quan từ 16% đến 18% trẻ em tại Pháp. Theo bà, hiện tượng thiếu khoáng chất men răng tuy nhẹ, nhưng chúng có thể làm răng yếu đi, nhất là có thể gây sâu răng.
Đối với các tác giả, bệnh MIH cũng có thể được xem như là một dấu hiệu rõ nét của việc bị phơi nhiễm chất BPA hay các phân tử hóa chất khác cũng mang cùng cách thức hoạt động tương tự.
Các kết quả nghiên cứu trên động vật hay trên người gần đây đã khẳng định rằng phơi nhiễm chất BPA trong giai đoạn đầu thai kỳ hay giai đoạn đầu đời của trẻ có thể làm gia tăng phát triển nhiều bệnh lý sau này như béo phì và tiểu đường type 2, ung thư vú hay tuyến tiền liệt, rối loạn sinh sản, rối loạn hệ thần kinh hành vi…
Khiến tế bào trứng bất thường
Trước đó, giáo sư VandeVoort – Trường đại học California (Mỹ), những đứa trẻ khi nhiễm BPA khi còn trong bụng mẹ khiến phụ nữ đối diện với nhiều nguy cơ rối loạn về sinh sản sau này.
Theo đó, người phụ nữ khi lớn lên sẽ có các tế bào trứng có nhiều nhiễm sắc thể, dẫn đến sinh con gặp các rối loạn như hội chứng Down hoặc sẩy thai.
Nghiên cứu cũng cho thấy bào thai bị phơi nhiễm BPA có vấn đề về sự hình thành các nang, là những cấu trúc bao quanh trứng khi chúng phát triển, khiến trứng chết trước khi trưởng thành.
Gây vô sinh ở nam giới
Nam giới thường xuyên phơi nhiễm với các chất hóa học trong đồ nhựa có số lượng tinh trùng thấp hơn.
Các chất hóa học trong đồ nhựa từ lâu đã là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học vì nó có thể gây hại cho sức khỏe, một trong những tác hại này là các rối loạn ở cơ quan sinh sản của nam giới. Một số nghiên cứu đã cho thấy phơi nhiễm với một vài chất hóa học có thể gây vô sinh.
Chất Bisphenol-A (BPA) trong đồ nhựa bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra các vấn đề rắc rối ở cơ quan sinh sản. Các chất hóa học trong đồ nhựa tác dụng như những hormon sinh dục nữ được gọi là estrogen và hormon endrogen.
Báo cáo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Fertility and Sterility có đề cập tới các công nhân nam ở một nhà máy của Trung Quốc phơi nhiễm với các chất hóa học trong đồ nhựa có số lượng tinh trùng thấp hơn bình thường. Nghiên cứu này ủng hộ các nghiên cứu trước đó cho thấy các chất hóa học trong đồ nhựa ảnh hưởng tới sự phát triển giới tính của trẻ sơ sinh nam.
Nghiên cứu bao gồm 130 nam công nhân Trung Quốc hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với các vật chứa BPA. Sức khỏe của họ được so sánh với 88 công nhân không phơi nhiễm với BPA. Kết quả cho thấy những công nhân tiếp xúc nhiều với BPA có số lượng tinh trùng thấp nhất. Số lượng tinh trùng ít sẽ dẫn tới vô sinh ở nam.
Chất độc Bisphenol-A ở Việt Nam
Ở Việt Nam, BPA có mặt trong các loại đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng bằng nhựa như bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, thùng đựng đồ uống như sữa, bia, rượu… Phần lớn đồ hộp bằng kim loại cũng được tráng sơn epoxy để bảo quản thức ăn. Bên cạnh epoxy, người ta còn sử dụng một số loại sơn bảo quản khác như urniorethan và diputinxalat cho các sản phẩm đựng thức ăn trong tủ lạnh. Ngoài đồ gia dụng, chất bisphenol-A còn rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà…
Hiện nay, BPA và phần lớn các chất phụ gia công nghiệp khác đang sử dụng tại Việt Nam đều được nhập khẩu từ nhiều nguồn với chất lượng khác nhau. Loại càng rẻ tiền thì lại càng nhiều tạp chất và độc tính càng cao. Tỷ lệ các chất phụ gia công nghiệp trong đồ gia dụng hiện nay đều do nhà sản xuất quyết định.
Để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng nên lựa chọn sử dụng những mặt hàng có tên tuổi và chất lượng. Không nên ham rẻ mà dùng những đồ không rõ nguồn gốc được bày bán trôi nổi trên thị trường. Trường mẫu giáo và nhà trẻ cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng khi mua sắm bát, đĩa, cốc nhựa và đồ chơi cho trẻ.
Vài kinh nghiệm phân biệt bình có chất BPA
Trên thị trường có rất nhiều bình sữa là làm bằng nhựa polycarbonate và có thể nhà sản xuất vì lý nào đó không ghi lên sản phẩm.
Bằng mắt thường, người dùng có thể chú ý một vài đặc điểm như:
Nhựa polycarbonate thường khá cứng, nhìn trong suốt vì có chất BPA.
Trong khi đó, các sản phẩm làm bằng nhựa polypropylene nhìn sẽ đục hơn và mềm hơn là nhựa polycarbonate.
Vài điều bàn luận
Các sản phẩm từ polycarbonate và nhiều loại khác được sản xuất mới hay tái sinh, được sử dụng đúng thời gian hay đến khi hỏng vẫn còn được dùng? Chúng có được kiểm định để xác định thành phần sau khi xuất xưởng? Đồ nhựa chúng ta dùng có bị tiếp xúc với hóa chất làm chúng bị thoái hóa và giải phóng BPA?… Tất cả cũng chỉ là câu hỏi.
Không thể không dùng và từ bỏ tất cả nhưng nên chăng ta tránh nó ở mức độ có thể:
– Không dùng những đồ nhựa đã bị hư hỏng
– Tránh cho chúng tiếp xúc với hóa chất trong đó có các chất tẩy rửa
– Không nên cho trẻ nhỏ chơi đồ chơi bằng chất dẻo và nhựa, hạn chế dùng núm vú giả
– Không dùng các hộp cũ bằng nhựa hay bằng thiếc
Để hạn chế rủi ro, các bà mẹ nên lựa chọn sử dụng những mặt hàng có tên tuổi và chất lượng. Không nên ham rẻ mà dùng những đồ không rõ nguồn gốc được bày bán trôi nổi trên thị trường. Chúng ta cũng có thể lựa chọn cho con mình loại bình sữa có ghi rõ “BPA free” (không có BPA). Các bà mẹ đừng vì một chút chủ quan mà làm ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài của con em mình.